Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn cho biết, đối với cảng Cái Mép – Thị Vải, Trung ương chi đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng nhưng thu về hơn 90.000 tỷ đồng.
Góp ý về kinh tế biển, kết nối giao thông, đại biểu Dương Minh Tuấn – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – cho biết, riêng cảng Cái Mép – Thị Vải đã nộp ngân sách 90.000 tỷ đồng trong 5 năm. Trung ương thu trên 90.000 tỷ nhưng chi đầu tư hơn 5.700 tỷ đồng, khoảng 6%.
“Nghĩa là Trung ương bỏ ra 6 tỷ nhưng thu về 100 tỷ”, ông Dương Minh Tuấn nói.
Cảng Cái Mép – Thị Vải
Nguyên nhân chính được ông Tuấn chỉ ra là chi phí logistics cao, kết nối thiếu đồng bộ giữa đường bộ, cảng biển…Tuy nhiên, đại biểu Dương Minh Tuấn nêu thực tế: Công suất khai thác của cảng Cái Mép Thị Vải chỉ khoảng 40%, trong khi đây là cảng trung chuyển của khu vực.
Theo đại biểu đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, tại vùng trọng điểm kinh tế phía Nam có 2 tuyến cao tốc là Long Thành – Bến Lức và Trung Lương – Long Thành – Dầu Giây, nhưng hiện chưa có cầu kết nối giữa cao tốc với cảng biển phía dưới. Vì thế, ông Dương Minh Tuấn đề nghị, nên xây dựng thêm cầu nối từ cảng lên các tuyến cao tốc, để tăng giá trị khai thác, tạo đồng bộ trong kết nối giao thông. Ước tính 3 cây cầu nối vào 2 tuyến cao tốc trên khoảng 15.000 tỷ đồng.
Ông Tuấn cho rằng, hệ thống kết nối đồng bộ hơn sẽ giúp giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Ảnh: Quochoi.vn) |
Theo tính toán của đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bỏ vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hệ thống 3 cây cầu tại đây sẽ thu về khoảng 24.000 tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm, tăng công suất khai thác cảng Cái Mép – Thị Vải lên gấp đôi hiện nay, khoảng 80%.
Theo thống kê mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20 – 22 tỉ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước. Cả nước hiện có khoảng hơn 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics ở mức khá cao.
Chi phí logistics của Việt Nam tương đương khoảng 21% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 phải đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ giảm chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam đề nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu./.
VOV